Sống độc lập đòi hỏi sự tự chủ và tự quản lý cảm xúc của bản thân, không phụ thuộc quá mức vào người khác. Tuy nhiên sống độc lập, không có nghĩa là bạn sống một mình. Nó không có nghĩa là bạn phải sống cô đơn hoặc tách biệt hoàn toàn với xã hội. Bạn vẫn có khả năng tự xây dựng cuộc sống, quản lý các mối quan hệ một cách độc lập và tự tin. 

Dưới đây là 3 yếu tố cốt lõi mà Linh tin bất kỳ một người độc lập nào cũng cần có để thiết lập cuộc sống của mình một cách vững vàng.

1. TỰ CHỦ VỀ TÀI CHÍNH

a. Có công việc ổn định

Để có thể tự chủ về tài chính, trước hết bạn cần phải có tài chính. Một công việc ổn định sẽ đem lại cho bạn nguồn thu nhập đều đặn, tránh được việc bị áp lực về chi tiêu. Bạn có thể làm một công việc toàn thời gian hay nhiều công việc tự do khác nhau. Điều quan trọng là bạn cần đảm bảo công việc đó sẽ được duy trì lâu dài để cân đối dòng tiền. Với thu nhập ổn định, bạn có thể chi trả các khoản vay, duy trì một chất lượng cuộc sống tốt hơn. Bạn cũng có thể đầu tư vào những mục tiêu dài hạn như mua nhà, tiết kiệm hưu trí, hay việc phát triển bản thân.

Ngoài vấn đề tài chính, một công việc ổn định còn giúp bạn tạo ra giá trị, có mục tiêu để nỗ lực và phát triển. Sự tiến bộ qua từng thời điểm sẽ mang đến cho bạn cảm giác hài lòng với bản thân, qua đó có động lực phấn đấu nhiều hơn nữa. Khi bạn đạt được những thành tựu từ nỗ lực của chính mình, bạn sẽ tự tin hơn trong việc làm chủ cuộc sống độc lập của mình.


Độc lập tài chính là khả năng sống bằng thu nhập từ nguồn lực cá nhân của chính bạn.

-Jim Rohn

b. Có kế hoạch tài chính thông minh 

Để tự chủ tài chính, bên cạnh việc đảm bảo nguồn thu nhập, bạn cũng cần nghiêm túc với một bản kế hoạch tài chính thông minh. Cốt lõi là bạn không nên chỉ nhìn tình hình tài chính của mình trong ngắn hạn mà nên có sự chuẩn bị trong dài hạn.

Một nguyên tắc phân bổ tài chính mà Linh thường chia sẻ với mọi người là: Học Cách Trả Cho Bản Thân Trước. Theo đó, bạn cần phân bổ các khoản thu nhập của mình theo thứ tự: 1. Quỹ khẩn cấp => 2. Số tiền nợ cần trả => 3. Quỹ chìm/ Quỹ tiết kiệm => 4. Đầu tư => 5. Chi tiêu.

Thứ tự phân bổ các khoản tài chính khi lập ngân sách ngược - Trả cho bản thân trước

Khi bạn thực hiện quy tắc này, bạn có thể tránh khỏi các khoản nợ; có tiền tiết kiệm cho những tình huống khẩn cấp, đồng thời để tiền sinh ra tiền thông qua các khoản đầu tư. Bạn cũng sẽ chi tiêu cho những sở thích riêng trong cuộc sống độc lập một cách thoải mái hơn vì biết rõ giới hạn được phép tiêu xài của mình.

2. LUÔN CÓ KẾ HOẠCH CÁ NHÂN

Một trong những kỹ năng bạn cần trang bị cho cuộc sống độc lập là bao quát được mọi khía cạnh trong cuộc sống của mình và cấu trúc nó theo cách rõ ràng nhất. Để đạt được điều đó, hãy lên cho mình những bản kế hoạch rõ ràng về:
(1) Kế hoạch sự nghiệp: Phần lớn thời gian trong ngày bạn sẽ dành để làm việc. Việc phát triển sự nghiệp cũng ảnh hưởng trực tiếp đến thành tựu bản thân lẫn nguồn tài chính của bạn. Một cách cụ thể nhất là bạn hãy vạch ra những Cột Mốc quan trọng trong sự nghiệp mà bạn hướng đến. Bằng cách này, bạn sẽ có một lộ trình rõ ràng trong từng thời điểm, đồng thời cũng không ngừng phát triển qua thời gian. Bạn có thể xem thêm video series về 4 Cột Mốc cốt lõi thường xuất hiện trong sự nghiệp của mỗi người và cách chinh phục chúng tại đây.
(2) Mục tiêu cá nhân: Có thể đôi lần bạn sẽ cảm thấy khá mơ hồ khi nghe đến hai từ “mục tiêu". Linh cũng đã từng rơi vào tình huống như vậy khi còn trẻ, cho đến khi biết về khái niệm “Hệ thống mục tiêu”. Hệ thống mục tiêu là tập hợp của 3 loại mục tiêu, bao gồm: Mục tiêu Kết quả, Mục tiêu Hiệu suất và Mục tiêu Quá trình. Theo đó, bạn có thể phân chia các mục tiêu của mình vào 3 nhóm trên để tối ưu hoá việc theo dõi tiến độ bạn đang hoàn thành chúng.
(3) Những gói bảo hiểm cần thiết: Những gói bảo hiểm như bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm xã hội… sẽ giúp bạn an tâm hơn khi không may gặp phải những sự cố về sức khỏe hay công việc. Thông thường khi bạn có một công việc ổn định, bạn đã có thể được công ty cung cấp những gói bảo hiểm này. Nếu bạn là một người làm việc tự do, hãy cân nhắc về các khoản bảo hiểm theo nhu cầu cá nhân để được hỗ trợ về tài chính khi gặp phải sự cố. 
Việc có kế hoạch về những khía cạnh quan trọng trong cuộc sống sẽ giúp bạn luôn trong tư thế chủ động và lường trước những rủi ro. Điều này xây dựng khả năng tự do định hình cuộc sống theo cách bạn mong muốn và sẵn sàng chịu trách nhiệm với mọi thứ.

3. THIẾT LẬP NHỮNG THÓI QUEN LÀNH MẠNH

Nếu bạn dựa vào người khác để tìm niềm vui, niềm vui đó có thể dễ dàng biến mất khi mối quan hệ thay đổi hoặc gặp khó khăn. Với lối sống độc lập, bạn có thể tự tạo ra hạnh phúc ừ bên trong mình mà không phụ thuộc vào người khác để cảm thấy vui vẻ. Một số những thói quen bạn có thể thực hiện để tạo thêm năng lượng cho mỗi ngày của mình là:
(1) Nuôi thú cưng để bầu bạn: Nuôi một bạn thú cưng, bạn sẽ có cảm giác được chăm sóc một sinh vật khác. Người bạn này tuy không biết nói nhưng rất giỏi tương tác cùng bạn để bạn không rơi vào cảm giác chỉ có một mình.
(2) Thực hiện các hoạt động yêu thích: Bạn có thể lấp đầy thời gian rảnh của bạn bằng cách nấu ăn, tập thể dục, đi du lịch hay đọc sách. Bạn không cần phải luôn bắt buộc mình thực hiện nó thường xuyên nhưng đừng bỏ qua nó mỗi khi bạn có hứng thú. Cuộc sống của bạn sẽ phong phú nhiều hơn bạn nghĩ.
(3) Duy trì các liên kết xã hội để học hỏi, mở rộng quan hệ: Đừng tự cô lập mình với suy nghĩ như vậy mới là sống độc lập. Thay vào đó hãy mạnh dạng ra ngoài gặp bạn bè, xuất hiện trong những sự kiện bạn quan tâm, tham gia các câu lạc bộ bạn thích. Mỗi kết nối mà bạn xây dựng không chỉ giúp đời sống tinh thần của bạn phong phú hơn mà còn hỗ trợ bạn rất nhiều trong quá trình phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên để tạo lập được những mối quan hệ chất lượng, bạn cần hiểu rõ về đối tượng mà bạn muốn kết nối, đồng xác định được nội dung trò chuyện để có thể duy trì mối quan hệ lâu dài. Bạn có thể tìm hiểu thêm về chủ đề này qua bài viết: 3 Bước Cụ Thể Giúp Mở Rộng Mối Quan Hệ Nhanh Chóng.
Bạn không cần nghĩ đến những điều quá lớn lao như một chuyến du lịch xa, mua sắm những món đồ hiệu đắt tiền mới có thể làm mình thấy cuộc sống tốt hơn. Khi bạn mở rộng suy nghĩ của chính mình, bạn sẽ thấy rằng chỉ một vài thói quen rất nhỏ như uống một cốc nước vào buổi sáng, làm một việc tốt cho ai đó cũng mang đến cho bạn thật nhiều năng lượng tích cực. Bạn có thể đọc thêm về "3 Thói Quen Để Sống Tốt Hơn Mỗi Ngày" để tìm hiểu về những hoạt động nho nhỏ nhưng hữu ích với cuộc sống độc lập.

Lời kết

Linh biết nhiều bạn nghĩ rằng: tôi có thể sống độc lập, tôi không cần ai cả; tôi không cần mở rộng các mối quan hệ. Đây là một sự hiểu lầm khá đáng tiếc và có thể khiến bạn mất nhiều khả năng để tiếp xúc với những niềm vui tích cực từ cuộc sống mang lại. 
Như nhà giáo dục người Úc Bernice Moore phát biểu: “Tự quản lý, tự kỷ luật, tự chịu trách nhiệm là ba biện pháp bảo vệ sự độc lập của con người.” Độc lập trong cuộc sống là yếu tố quan trọng để bạn có thể tự hoạch định và chịu trách nhiệm với cuộc đời mình mong muốn. Đó cũng là kỹ năng bạn cần rèn luyện để tránh được những sự ảnh hưởng tiêu cực không cần thiết khi quá phụ thuộc vào các mối quan hệ khác. Tuy nhiên độc lập không đồng nghĩa với sự cô đơn. Bạn vẫn có thể tương tác, xây dựng mối quan hệ tốt với thế giới xung quanh. Bạn có thể tận hưởng sự kết nối với người khác mà không bỏ quên tính độc lập cá nhân bằng cách thực hiện những điều Linh vừa chia sẻ ở trên.