Học Cách “Trả Cho Bản Thân Trước” Để Sớm Độc Lập Tài Chính

Học Cách "Trả Cho Bản Thân Trước" Để Sớm Độc Lập Tài Chính
Học Cách "Trả Cho Bản Thân Trước" Để Sớm Độc Lập Tài Chính

Một sai lầm trong quản lý tài chính cá nhân mà Linh thấy nhiều bạn (và ngay cả Linh lúc mới đi làm) thường mắc phải là: Chi tiêu trước, có dư mới bắt đầu tính đến chuyện tiết kiệm hay đầu tư. Cách này không khả thi vì chúng ta rất dễ chi tiêu vượt ngân sách, bất kể thu nhập của bạn là bao nhiêu.

Điều này được thể hiện qua quy luật Parkinson. Luật này chỉ ra rằng, nhiều người về hưu trong cảnh khốn khó, bởi vì dù bất chấp bạn kiếm được bao nhiêu tiền, bạn đều có xu hướng tiêu vượt quá số tiền mình có. Hay nói cách khác, chi phí của bạn sẽ tăng lên tỷ lệ thuận với thu nhập của bạn.

Để giải quyết vấn đề này, Linh thường áp dụng nguyên tắc “pay yourself first” - chi trả cho bản thân trước hay còn gọi là lập ngân sách ngược. Nghĩa là khi có thu nhập, bạn cần ưu tiên giữ lại khoản tiền dành cho tiết kiệm và đầu tư trước, sau đó mới tính đến các chi phí sinh hoạt.

Thứ tự phân bổ các khoản tài chính khi lập ngân sách ngược

Thứ tự phân bổ các khoản tài chính khi lập ngân sách ngược

Như vậy, bạn sẽ phân bổ các khoản thu nhập của mình theo thứ tự: 1. Quỹ khẩn cấp => 2. Số tiền nợ cần trả => 3. Quỹ chìm/ Quỹ tiết kiệm => 4. Đầu tư => 5. Chi tiêu.

1) QUỸ KHẨN CẤP

“Bạn không thể đoán trước. Bạn có thể chuẩn bị.” - Howard Marks

Đầu tiên là phân bổ tiền vào quỹ khẩn cấp. Khoản tiền này, sẽ chi trả cho những sự kiện bất ngờ trong cuộc sống như tai nạn, thất nghiệp, dịch bệnh. Thông thường, quỹ khẩn cấp được lập bằng cách tiết kiệm một khoảng bằng từ 3 đến 6 tháng chi phí sinh hoạt cơ bản. Điều này sẽ giúp bạn và gia đình chủ động hơn trong việc chi tiêu, sẵn sàng đối phó với những tình huống bất lợi có thể xảy ra.

2) SỐ TIỀN NỢ CẦN TRẢ

Tiếp theo, bạn cần so sánh tiền lãi tiết kiệm và lãi bạn trả nợ mỗi tháng. Nếu số tiền bạn phải trả cao hơn nhiều so với số tiền lãi tiết kiệm, thì bạn cần trả hết nợ trước.

Trong bài viết Cách Lập Kế Hoạch Tài Chính Cho Thời Điểm Bấp Bênh, Linh cũng đã chia sẻ 2 phương pháp mà bạn có thể áp dụng trong quá trình trả nợ là phương pháp “Quả cầu tuyết” và phương pháp “Tuyết lở”.

3) QUỸ CHÌM VÀ QUỸ TIẾT KIỆM 

Thứ ba, là phân tiền vào quỹ tiết kiệm cho các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Tới đây thì nhiều bạn sẽ hỏi Linh là em nên tiết kiệm bao nhiêu phần trăm thu nhập? Thực tế là không có một tỷ lệ cố định nào cả. Tỷ lệ này phụ thuộc độ tuổi, thu nhập, và mục tiêu của bạn. Tỷ lệ mà nhiều chuyên gia khuyến khích là 20%. Nhưng bạn có thể bắt đầu nhỏ thôi. Mức 5% cũng ổn. Rồi mình sẽ lên kế hoạch tăng mục tiêu của mình lên sau 3 tháng, hoặc 6 tháng.

Về cơ bản, hai loại quỹ này đều là những khoản tích lũy có thời hạn. Điểm khác biệt lớn nhất giữa quỹ chìm và quỹ tiết kiệm là mục tiêu dành dụm và thời gian tích lũy.

(1) Quỹ chìm là khoản tiền để dành ngắn hạn, phục vụ cho một mục tiêu cụ thể sắp đến. Các mục tiêu đó có thể là mua xe máy, điện thoại, dành dụm cho việc kết hôn, sinh con, đi du lịch trong năm.

(2) Quỹ tiết kiệm thường được tích lũy dài hạn hơn, có thể từ 3 đến 5 năm trở lên, phục vụ cho các mục tiêu dài hạn, cần số tiền tích lũy lớn như mua ô tô, mua nhà, cho con đi du học.

Dáng đứng thể hiện phong thái tự tin

Khác biệt giữa quỹ chìm và quỹ tiết kiệm

Một trong những nguyên lý của việc tiết kiệm là “tích tiểu thành đại". Đôi khi bạn sẽ cảm thấy nản lòng khi mỗi ngày mình chỉ để dành được một khoản tiền nhỏ và còn cách khá xa mục tiêu ban đầu. Dù vậy, hãy học cách quý trọng từng khoản tiền được tích lũy. Nếu biết tiết kiệm đều đặn và có chiến lược, bạn luôn có thể đạt được mục tiêu tài chính của mình. Bạn có thể tham khảo thêm thử thách 52 tuần tiết kiệm dễ thực hiện mà Linh đã chia sẻ trong bài viết này.

4) PHÂN BIỆT GỬI TIẾT KIỆM VÀ ĐẦU TƯ

Tiết kiệm và đầu tư nhìn chung đều hướng đến mục tiêu giúp bạn xây dựng nguồn tài chính cho tương lai. Tùy vào khẩu vị rủi ro và nhu cầu cá nhân mà bạn có thể lựa chọn hình thức phù hợp hoặc duy trì cả hai hình thức này.

(1) Tiết kiệm: là hình thức để dành từng khoản tiền nhỏ để đạt được một số tiền lớn hơn phục vụ cho các mục đích sử dụng trong tương lai.

Ưu điểm nổi bật khi tiết kiệm là bạn có thể biết trước số tiền lãi của mình theo định kỳ và dễ dàng rút ra sử dụng khi có việc cần thiết. Bởi vì tiết kiệm có tính ổn định cao, rủi ro thấp nên khả năng sinh lời không quá cao khi so với các hình thức đầu tư khác.

(2) Đầu tư: là hình thức dùng tiền để mua một loại tài sản nào đó có khả năng tăng giá để sinh lời trong tương lai (có thể là bất động sản, vàng, chứng khoán, chứng chỉ quỹ). 

Một ưu điểm lớn của hình thức đầu tư là khả năng sinh lời cao hơn nhiều so với tiết kiệm, đặc biệt là nếu đầu tư trong dài hạn từ 3 đến 5 năm trở lên. Dù vậy, đây là phương pháp tiềm ẩn những rủi ro cao do bị ảnh hưởng bởi tính biến động của thị trường. Thêm vào đó, khi tham gia đầu tư, bạn cũng cần dành thời gian học hỏi, nghiên cứu để đưa ra những quyết định đúng đắn.

5) CHI TIÊU

Như vậy, chi tiêu sẽ là phần còn lại cuối cùng, sau khi bạn đã ưu tiên phân bổ thu nhập cho các quỹ trên. Điều này sẽ giúp bạn giới hạn lại ngân sách chi tiêu của mình, tránh trường hợp vung tay quá trán, và đảm bảo hoàn thành các mục tiêu tài chính trong ngắn hạn và dài hạn.

Lợi ích khác của việc trả cho bản thân trước

Đồng thời, thứ tự phân bổ này cũng giúp bạn giải quyết được vấn đề chi tiêu không có kế hoạch khi bất ngờ nhận được một khoản tiền lớn. Thay vì vội vàng mua nhà, mua xe, hay những món đồ hiệu yêu thích một cách tùy ý, bạn biết rằng mình cần phân bổ tiền theo thứ tự: 1. Quỹ khẩn cấp => 2. Số tiền nợ cần trả => 3. Quỹ chìm/ Quỹ tiết kiệm => 4. Đầu tư => 5. Chi tiêu.

Như vậy, bạn có thể nâng số tiền trong quỹ khẩn cấp từ 3 tháng lên 6 tháng hoặc 1 năm, để đảm bảo luôn có sẵn một khoản cho những trường hợp bất ngờ xảy đến. Bạn cũng có thể trả nợ nhanh hơn, hay đẩy nhanh quá trình tích lũy cho quỹ tiết kiệm và đầu tư. Với số tiền còn lại, bạn có thể tự tin mua sắm món đồ yêu thích, mà không phải lo lắng liệu mình có đang tiêu xài phung phí khoản tiền lớn vừa nhận không.

Lời kết

Tác giả Robert Kiyosaki đã viết trong cuốn sách “Dạy Con Làm Giàu” rằng: “Không quan trọng là bạn có bao nhiêu tiền trong túi, mà điều quan trọng là bạn giữ lại được bao nhiêu tiền và làm cho số tiền đó sinh sôi nảy nở nhiều hơn”. Để đạt được mục tiêu tài chính cá nhân, hãy thận trọng phân bổ nguồn thu nhập của mình dù đó là khoản lương đều đặn mỗi tháng hay các khoản thu nhập bất ngờ như khoản thưởng cuối năm, tiền thừa kế, hay trúng số. Hãy nhớ, trả cho bản thân trước, và bạn sẽ luôn làm chủ đồng tiền của mình!