Nghiên cứu chỉ ra rằng nghiện mua sắm quá mức thường xảy ra ở đầu lứa tuổi 20 và một số ít bắt đầu sau 30 tuổi - độ tuổi mà bạn bắt đầu sống xa nhà và tập làm quen với việc quản lý tiền. Việc chưa có kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, đặc biệt là thói quen chi tiêu hợp lý, dễ khiến bạn bị mắc kẹt trong việc mua sắm không kiểm soát. 🤦‍♀️
Về lâu dài, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần lẫn túi tiền của bạn. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể thoát khỏi chứng nghiện mua sắm? Dưới đây là một số mẹo hữu ích mà bạn có thể thực hiện. 

1) HIỂU RÕ CÁC “NGÒI NỔ” CHI TIÊU

Đầu tiên, hãy xác định các “ngòi nổ” chi tiêu theo tâm trạng của bản thân. Sau đó, bạn cần tìm cách loại bỏ cám dỗ hoặc những điều kiện thuận lợi khiến bạn vung tay quá trán. “Ngòi nổ” có thể bắt nguồn từ:

🔸 Bẫy tâm lý FOMO, hay còn gọi là hội chứng sợ bỏ lỡ. Chúng ta thường mắc bẫy khi nhìn thấy một món hàng nào đó có giá hời. Bạn sẽ cảm thấy nếu như không nhanh tay, mình sẽ bỏ lỡ cơ hội mua món đồ đó với giá rẻ. Để hạn chế mua phải những món đồ không mong muốn, bạn nên tránh mua sắm vào những ngày khuyến mãi; hoặc lập danh sách những thứ cần mua từ trước và xác định rõ nhu cầu của mình ít nhất 3 lần trước khi quyết định mua.

🔸 Đừng tiêu tiền như một giải pháp giảm căng thẳng. Thay vào đó, bạn có thể cân nhắc đến những thói quen khác lành mạnh cho bản thân và ví tiền hơn như chơi thể thao hay tập nhảy.

🔸 Nếu bạn thường xuyên tiêu nhiều tiền hơn khi đi chơi với bạn bè, hãy chủ động trong các cuộc hẹn bằng cách đề xuất kế hoạch đi chơi phù hợp hơn. Thay vì đi mua sắm ở trung tâm thương mại, hãy đề nghị đạp xe quanh thành phố. Điều này tốt cho sức khỏe và không hề tốn kém.

2) KỸ NĂNG DỰNG HÀNG RÀO CHI TIÊU

Để luyện tập kỹ năng tránh xa cám dỗ của việc mua sắm thoải mái, bạn hãy giảm việc “giao tiếp” với các cửa hàng. Ví dụ như hủy đăng ký email, hủy theo dõi trên mạng xã hội, hay xóa cookie trong trình duyệt để không thấy quảng cáo liên quan. Ngoài ra, bạn có thể tự giới hạn tùy chọn thanh toán khi mua sắm. Nếu mua ở cửa hàng, hãy mang theo số tiền gần với giá sản phẩm cần mua. Còn trên các sàn mua sắm điện tử, hãy tự hạn chế bằng cách không kết nối tài khoản với thẻ ngân hàng hay ví điện tử.


Bên cạnh đó, quy tắc chi tiêu “30 ngày” cũng là một biện pháp tốt để hạn chế việc nghiện mua sắm. Quy tắc rất đơn giản: đợi 30 ngày mỗi khi bạn muốn mua một món hàng. Ví dụ: Bạn muốn mua một chiếc máy tính xách tay mới vì máy hiện tại chạy chậm. Hãy chờ thêm 30 ngày sau và suy nghĩ lại xem có thực sự cần thiết không. Lúc đó quyết định của bạn sẽ thực tế và hợp lí hơn.

3) ĐI CÙNG NGƯỜI NGĂN CẢN BẠN CHI TIÊU PHUNG PHÍ

Nếu bạn vẫn muốn đi dạo xung quanh các trung tâm thương mại, hãy tìm một người bạn có khả năng ngăn bạn lại trước cám dỗ để đi cùng. Tốt hơn nữa, nếu một thành viên khác trong gia đình có thể đảm nhận trách nhiệm mua sắm những thứ cần thiết, hãy ủy thác việc mua sắm cho họ.

4) THAM GIA THỬ THÁCH “52 TUẦN TIẾT KIỆM”

Bằng cách để dành ra một khoản tiền hàng tuần, bạn có thể xác định được số tiền còn lại được phép chi tiêu. Đây là một cách để bản rèn luyện tính kỷ luật để phát triển bản thân. Hơn nữa, thử thách này sẽ giúp bạn giảm bớt số tiền chi tiêu trong từng tuần, từ đó bạn sẽ dần học được cách tiết kiệm hơn.

Theo đó, trong 52 tuần, bạn sẽ dành ra một số tiền với mức tăng dần mỗi tuần. Ví dụ:

🔹 Tuần 1: Bạn bỏ vào tài khoản tiết kiệm 10.000 đồng

🔹 Tuần 2: 20.000 VND

🔹 Tuần 3: 30.000 VND, và liên tục cho đến

🔹 Tuần 52: 520.000 VND

Kết thúc thử thách 52 tuần, bạn sẽ có gần 14 triệu đồng trong tài khoản. Một con số không ngờ đúng không?


Trên đây là một số mẹo mà Linh muốn chia sẻ cùng các bạn. Hy vọng những mẹo nhỏ này có thể giúp bạn bảo vệ an toàn cho túi tiền trong các dịp mua sắm cuối năm và rèn luyện thói quen tiết kiệm tiền tốt hơn. 💲Bên cạnh đó, bạn có thể tham khảo thông tin chi tiết về các phương pháp trên trong bài viết Làm Sao Loại Bỏ Thói Quen Mua Sắm Không Kiểm Soát?