Bạn cần làm gì để vượt qua thời điểm khó khăn nhất
Thái Vân Linh x Mai Nguyễn

⭐️Học hỏi từ Chuyên gia⭐️ là chuỗi nội dung chia sẻ các mẹo hay thực tế mà các chuyên gia với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc đã áp dụng để phát triển bản thân và thăng tiến trong sự nghiệp.

Bạn có tin là làm việc lâu năm (trên 10 năm) trong cùng một công ty vẫn có thể đem đến cho chúng ta nhiều trải nghiệm mới và cơ hội thăng tiến lên các chức quản lý cấp cao? Hãy cùng Linh gặp gỡ khách mời tiếp theo trong chuỗi bài “Học hỏi từ chuyên gia". Đó là chị Anh Võ - Co-founder & Head of Business của UNITE Design. 

Chị Anh Võ đã gắn bó 13 năm với công ty đầu tiên của mình, với nhiều vai trò khác nhau, và làm việc ở các bộ phận khác nhau, rồi trở thành Tổng Giám đốc của công ty. Trên lộ trình sự nghiệp của mình, chị cũng đã trải qua môi trường làm việc ở cả trong nước và quốc tế. Hãy cùng nghe chị kể về hành trình thăng tiến đầy sắc màu của mình nhé.

Bạn cần làm gì để vượt qua thời điểm khó khăn nhất
1. Anh Võ có thể kể một chút về quá trình làm việc của bạn được không? Bạn đã trải qua những công việc nào và đã làm những gì để có được ngày hôm nay?

Ngoài công việc bán quần áo ở trường đại học, công việc thực sự đầu tiên của tôi sau khi tốt nghiệp là làm việc cho một công ty chuyên về chuyển nhà và tái định cư ở Việt Nam. Tôi đã gắn bó với công ty này trong 13 năm. Đây là khoảng thời gian thực sự dài với tất cả mọi người.

Nhưng trong 13 năm ấy, tôi rất vui vì đã không phải làm cùng một công việc giống nhau. Tôi đã đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau, từ dịch vụ khách hàng đến trưởng các bộ phận. Đồng thời sau này, tôi còn là Tổng Giám đốc của công ty.

Tất cả công việc trên, tôi đều làm ở Việt Nam và sau đó tôi đã đảm nhiệm một vị trí toàn cầu ở London. Sau đó, tôi đã nghỉ 2 năm. Và bây giờ, tôi là đồng sáng lập của công ty thiết kế Unite. Đây cũng là công việc hiện tại của tôi.

2. Vậy vị trí trong công việc đầu tiên của Anh Võ là gì?

Công việc đầu tiên của tôi không có chức danh cụ thể. Tôi đã bắt đầu làm tại một công ty giống như một công ty khởi nghiệp, trước khi trào lưu khởi nghiệp tại Việt Nam bắt đầu rộ lên. Công ty này làm về vận chuyển và chỉ mới hoạt động được 2 năm. Lúc ấy cũng là “thời điểm nóng” của thị trường Việt Nam. Mọi người bắt đầu chuyển đến đây, nhưng không ai chăm sóc họ. Khi đến một quốc gia khác, bạn và gia đình phải chuyển toàn bộ đồ đạc và tiến hành các thủ tục pháp lý tại nơi ở mới, như giấy phép lao động hay thẻ cư trú. Bên cạnh đó, bạn còn phải tìm một ngôi nhà để ở và tìm trường học cho các con.

Người nước ngoài hoặc một số người Việt trở về nước cần được hỗ trợ khi đặt chân đến Việt Nam. Vì không có công ty nào làm được điều đó vào thời điểm ấy, nên công ty tôi làm đã được thành lập. Đó là một công ty non trẻ tại Việt Nam, và nhiệm vụ của tôi khi gia nhập là làm cho doanh nghiệp này được quốc tế công nhận. Như Linh cũng biết, chúng ta cần phải có một vài chứng chỉ chất lượng cho công ty. Vì khi không ai biết đến và công ty không có chứng nhận, khách hàng sẽ không thể tin tưởng và tìm đến doanh nghiệp của mình để sử dụng dịch vụ.

3. Làm thế nào để Anh Võ làm điều đó? Nó có vẻ thực sự phức tạp đối với Linh. Đặc biệt là khi vừa mới tốt nghiệp, bạn chưa có kinh nghiệm thực tế. Vậy sau đó, bạn đã làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ giúp công ty có được giấy chứng nhận quốc tế?

Thú thật, tôi thậm chí còn không biết gì về ngành nghề của mình tại thời điểm đó. Vì vậy, thời gian đầu tiên, tôi đã sử dụng Google rất nhiều để nghiên cứu về nó. Google giống như là một người bạn thân nhất của tôi. Tôi đã tìm hiểu những yếu tố cần thiết để một công ty được cấp chứng nhận quốc tế. Thông qua việc tìm kiếm, tôi phát hiện ra mình gặp vấn đề về từ vựng, có đến hàng ngàn từ chuyên ngành mà tôi không biết nghĩa. Vì vậy, tôi đã phải tiếp tục tra cứu Google để hiểu được tất cả những từ ấy. Tôi cũng đã phỏng vấn tất cả mọi người trong công ty chỉ để xem họ đang làm gì, rồi sẽ nhìn vào công việc đó và suy nghĩ “Ok, điều này không khớp với chứng chỉ quốc tế”, hoặc “Chúng ta cần làm gì để đạt được điều này?”. Tôi đã làm tất cả những điều đó trong 6 tháng và may mắn là tôi đã thành công. Cuối cùng, công ty đã có được chứng nhận quốc tế.

Trong suốt hành trình đó, tôi nhận ra có rất nhiều điều chúng tôi có thể làm tốt hơn nữa. Vậy nên, sau đó tôi đã quay lại và trò chuyện với từng nhân viên: Điều khó khăn trong công việc của bạn là gì? Và bạn nghĩ điều gì mình có thể hoàn thành được tốt hơn? Mọi người đều đưa ra phản hồi của họ và tôi bắt đầu xem xét mọi thứ một lần nữa. Điều này cho tôi biết mọi người đã hoạt động như thế nào trong “cỗ máy” của công ty. Từ đó, tôi tìm thấy các lỗ hổng và những công việc chưa hiệu quả. Bản thân tôi lúc ấy thực sự quan tâm và bắt đầu nghiên cứu để cải thiện quy trình và thủ tục trong công ty.

Lời kết

Những chia sẻ của Anh Võ thực sự là lộ trình mà Linh nghĩ đến cho tất cả các bạn trẻ khi tiếp cận một công việc mới. Ở cấp độ 1, khi mới bắt đầu, bạn cần nghĩ cách hoàn thành công việc được giao. Khi đã làm tốt rồi, thì ở cấp độ 2, bạn cần tìm cách tự động hóa công việc và tối ưu quy trình để hoàn thành công việc nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đến mức mà bạn có thể dạy cho người khác làm tốt những công việc bạn đang làm, để bản thân sẽ thăng tiến lên vị trí tiếp theo. Đó cũng là điều chúng ta sẽ tìm hiểu trong bài viết tuần tới: Làm Sao Để Tìm Được Người Kế Nhiệm Phù Hợp?

Bài viết này thuộc chuỗi bài Học hỏi từ chuyên gia Anh Võ - Co-founder & Head of Business of UNITE Design

⚈ Bài học 1:  Công Việc Đầu Tiên Quan Trọng Như Thế Nào?

Bài học 2:  Làm Sao Để Tìm Được Người Kế Nhiệm Phù Hợp? 

Bài học 3: Làm Gì Khi Cơ Hội Làm Việc Mới Tìm Đến Bạn? 

Xem ngay video buổi trò chuyện giữa Linh và Anh Võ